Bạn là người khéo tay và thích làm những sản phẩm cho chính mình với phong cách cá nhân và muốn chia sẻ niềm vui ấy đến mọi người có cùng sở thích với bạn. Bên cạnh đó bạn cũng thích kinh doanh. Vậy tại sao bạn không bắt đầu hoặc làm thêm với một cơ sở kinh doanh các sản phẩm Handmade, đây là một công việc hay và đầy niềm vui. Nếu bạn muốn làm và không biết phải làm như thế nào ? Đây là mô hình bạn nên tham khảo
II. MÔ HÌNH
Khởi nghiệp từ vải vụn với số vốn ít ỏi 1 triệu đồng, ít ai ngờ cô gái trẻ Trần Phương Huyền lại có thể gây dựng Take-one trở thành thương hiệu gối thủ công nức tiếng đất Hà thành, doanh thu lên tới hàng tỷ đồng. Thành công của Phương Huyền là minh chứng cho thấy với sức sáng tạo không ngừng nghỉ, bạn hoàn toàn có thể tạo nên cơ nghiệp lớn từ những món đồ handmade nho nhỏ, xinh xinh.
Thiệp handmade
Đồ handmade còn có tên gọi khác là DIY (do it yourself). Bắt đầu từ việc một số bạn trong trường Đại học Mỹ thuật tự làm, tự sáng tạo những món đồ: vòng tay, dây buộc tóc, váy… cho riêng mình, đồ handmade đã nhanh chóng được biết đến và lan rộng thành một xu hướng. Độc đáo, không đụng hàng, lạ mắt, thể hiện được tâm huyết tình cảm của người làm ra sản phẩm và thể hiện cá tính, cái tôi khác biệt của người sở hữu món đồ đó là những lý do khiến đồ handmade trở nên cực kỳ “ăn khách” và thu hút hàng triệu người. Đặc biệt là những người luôn mong muốn sự mới lạ, hợp thời và tôn sùng ý thích tự sáng tạo. Cùng với cơn sốt bohemia, harajuku, hiphop-punk, giày vải vẽ màu… xu hướng handmade mới đã thực sự bùng nổ.
Hộp đựng phụ kiện handmade do bạn Chu Minh Phương tự làm
Không chỉ trở thành một xu hướng “hot” đối với giới trẻ , đồ handmade còn trở thành những vật dụng, những món quà lưu niệm mang dấu ấn riêng được khách du lịch quốc tế thích thú và tìm kiếm sưu tầm. “Thú vị ở chỗ những vật kỉ niệm handmade rất độc và lạ. Nhiều khi bạn muốn mua cái thứ hai giống như thế cũng không có vì chúng không được sản xuất hàng loạt”, Sufria (khách du lịch Ấn Độ) chia sẻ.
Ngành kinh doanh mang tên… “Handmade”
Dọc trên phố cổ, hoặc đâu đó trong lòng Hà Nội, người ta có thể bắt gặp rất nhiều những shop hàng bán đồ lưu niệm handmade.
Khởi đầu với Memory, S-Décor,… đến nay các shop bán đồ handmade đã mọc lên như nấm ở Hà Nội. Shop Thiệp Giấy Cuộn (Đội Cấn) là địa chỉ yêu thích của nhiều bạn trẻ, đặc biệt vào những ngày lễ 8.3, valentine… với những thiếp hoa giấy cuộn dễ thương, độc đáo, rất tươi sáng và sống động. Shop handmade trên đường Hàng Trống được coi là thế giới đồ handmade, bán đủ thứ từ áo, mũ, khăn… cho tới đồ phụ kiện, trang sức làm bằng chất liệu vừa đơn giản lại vừa “lạ” như khuy bọc vải, khuy gỗ, khuy nhựa. Shop chuyên bán vòng tay, vòng cổ, thắt lưng handmade trên phố Đinh Liệt là nơi thu hút rất đông khách du lịch quốc tế tới tham quan, mua hàng.
Vòng tay handmade
Chị Mai Anh, chủ một cửa hàng bán đồ Handmade trên khu phố cổ, cho biết: “Thường khách hàng không mua đồ có sẵn mà đặt làm theo ý tưởng của họ. Vì thế có những sản phẩm phải vừa làm vừa bán tại chỗ. Giá cả thì cũng tùy theo bởi nó là sản phẩm “độc” được làm bằng tay. Có những món đồ thì rất rẻ. Nhưng cũng có những món không rẻ chút nào. Nó phụ thuộc vào chất liệu và công sức của người làm”.
Đặc biệt hơn phải kể đến Công ty TNHH ANC (Nguyễn Trãi) chuyên kinh doanh sản phẩm… bon-sai handmade của Nguyễn Quang Hải. Hải cho biết cậu đã có ý tưởng làm cây bon-sai từ dây đồng trần, lõi thép và hạt cườm… từ khi còn là sinh viên của Trường Đại học Kiến trúc. Những cây mai, cây đào, cây tùng… do Hải làm đều có dáng dấp mềm mại và là sản phẩm trang trí nội thất được nhiều người ưa chuộng. Cho đến nay ông chủ bon-sai handmade đã nhận được rất nhiều đơn hàng và có được mức thu nhập rất… rủng rỉnh.
Túi handmade
Ngành kinh doanh mang tên “đồ handmade” không chỉ là mảnh đất để các bạn trẻ thể hiện tài năng, sự sáng tạo và cá tính… mà còn giúp họ làm giàu bằng chính đôi bàn tay của mình. Theo bạn Phương Nam, thành viên Ban quản trị CLB Handmade Việt Nam thì thu nhập trung bình hàng tháng của những người làm nghề này vào khoảng 4-5 triệu, vào những dịp cao điểm như Noel, mức thu nhập có thể lên đến hàng chục triệu/tháng.
Một tác phẩm khác của bạn Chu Minh Phương
Đến nay, thị trường handmade có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp với quy mô, cách thức hoạt động rất đa dạng: từ bày bán bên lề đường, gift shop nhỏ lẻ, đến hệ thống shop có chi nhánh trên cả nước (Take-one,..). Bên cạnh đó còn có sự đóng góp không nhỏ của các shop online. Trên các trang mạng xã hội như Facebook, 360 plus đến các trang web chuyên shopping online như muare.vn, enbac.com, 123mua.com,… hoạt động mua bán diễn ra rất sôi nổi. Không như những mặt hàng khác khác, thị trường đồ handmade ít bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài.
Vậy kinh doanh đồ handmade có gì đặc biệt và cần hội tủ những yếu tố gì để thành công? Bài viết sau đây sẽ giúp bạn hình dung được những bước đi cơ bản trong công việc kinh doanh thú vị này.
1. Học làm đồ handmade
Được tạo ra từ những bàn tay khéo léo, đức tính kiên trì, đầu óc sáng tạo, các sản phẩm handmade tương đối đa dạng: thiếp, hoa giấy, khăn len, túi xách, các đồ trang sức, trang trí nội thất… thậm chí cả quần áo thời trang. Chất liệu tạo nên những sản phẩm này cũng khá đơn giản, dễ kiếm như: gốm, thủy tinh, vỏ chai, vỏ ốc, hạt nhựa, gỗ… Chị Thu Trang - một tín đồ handmade cho biết: “Không cái gì không trở thành đồ trang sức hay vật dụng được cả, miễn là chủ nhân phải có óc sáng tạo và trình độ thẩm mĩ nhất định”.
Đa số mọi người chỉ có thể tự làm được những món đồ đơn giản: móc chìa khóa, dây buộc tóc… Những vật dụng khó hơn như: giá trang trí, bao đựng bút, dép, quần áo… đều phải mày mò học thêm ở các lớp dạy chuyên nghiệp. Hiện nay ở Hà Nội có khá nhiều trung tâm, câu lạc bộ dạy làm đồ handmade như: CLB 360 Craft, CLB Handmade,… Theo Thùy Linh – sinh năm 1988, chủ nhiệm CLB 360 Craft thì: “Các học viên đến học ngày càng đông hơn, mà đa số không phải xuất thân từ dân mỹ thuật. Mọi người đến học với rất nhiều lý do: tự làm để thỏa mãn sở thích của mình, làm quà tặng cho người khác. Tùy theo từng khả năng của học viên mà câu lạc bộ sẽ nâng cao dần các bài học, các món vật dụng từ dễ lên khó”.
Thông thường, các câu lạc bộ đều chia các buổi học theo nhiều chủ đề khác nhau như: phụ kiện (làm vòng, dây buộc tóc, lắc tay…), thời trang (sửa quần áo mới thành cũ, sáng tạo các kiểu quần áo theo phong cách riêng, vẽ tranh trên áo…), đồ trang trí (khung ảnh, giá treo tường, gối ôm, thú nhồi bông…)… với mức học phí từ 55 nghìn tới 85 nghìn một buổi tùy theo nguyên liệu của từng buổi học.
Mới nhìn qua thì tưởng đơn giản, nhưng để làm được những món đồ handmade “hay hay” cũng cần người làm phải có cái tâm, chút khéo léo, sáng tạo, và đặc biệt là đức tính kiên trì. Từ công đoạn chuẩn bị nguyên liệu, thiết kế ý tưởng rồi vẽ phác thảo, cắt hình cho đến trang trí họa tiết, thêu, khâu… đều phải làm cẩn thận và tỉ mỉ từng chi tiết một. Hà Anh (Trường Kim Liên) chia sẻ: “Mình đặc biệt thích làm những tấm thiệp giấy để tặng các bạn. Những tấm thiệp đơn giản thì mất khoảng 2 ngày. Tấm nào cầu kì thì mất 3, 4 ngày, thậm chí cả tuần. Từ việc tạo hình thiệp sẽ như thế nào, cho tới những chi tiết: hoa, lá, cắt, dán… đều rất tỉ mỉ. Mỗi sản phẩm hoàn thành mình đều thấy rất vui bởi nó vừa là thành quả mồ hôi, công sức của mình, vừa là bài học giúp mình rèn luyện tính kiên trì, nhẫn nại”.
Làm đồ handmade đã khó, nhưng để tạo được phong cách riêng cho món đồ lại càng khó hơn. Phải có “gu” thẩm mĩ, phối đồ với trang sức, phụ kiện sao cho hợp và không bị… “lố”. Chẳng hạn một chiếc vòng hạt cườm nữ tính sẽ không thể phối cùng một bộ trang phục mang phong cách bụi. Hay một đôi giày vải vẽ không thể phối hợp với những chiếc váy chất liệu voan mỏng… Đó là một nghệ thuật. Với những người không biết phối, hoặc muốn thể hiện “cá tính quá mức” thì đôi khi đồ handmade không còn mang lại hiệu quả như mong muốn nữa và gây tác dụng ngược, phản cảm.
Không chỉ có các bạn trẻ tham gia học, các lớp dạy làm đồ handmade ngày càng xuất hiện nhiều hơn các bà, các chị thuộc lứa tuổi… U40, U50. “Đi học rồi về tự làm những món đồ cho chồng con, rồi trang trí nhà cửa cũng là một thú vui khó diễn tả”, chị Hải Hà (Ba Đình) thổ lộ. Đặc biệt, người ta vẫn thường nghĩ làm đồ handmade là sở thích của phái nữ, nhưng bây giờ đến các lớp học, các trung tâm dạy làm đồ handmade có thể thấy sự xuất hiện của không ít… phái mày râu. Đến các buổi học của 360 Craft sẽ rất dễ để bắt gặp một cậu con trai nào đó đang chăm chỉ, cặm cụi thực hiện món đồ bất kỳ. Việt Đức (Trường Phan Bội Châu) chia sẻ: “Mình thấy đồ handmade đẹp và rất tò mò về cách làm ra nó. Lúc đầu mới làm thì cũng khó nhưng giờ sau hơn một tháng học mình đã có thể làm một số món như: móc chìa khóa, lắc tay, vòng cổ, gấu bông… để dành tặng bạn bè và người thân”.
2. Tìm hiểu và xác định đối tượng khách hàng
Thị trường đồ handmade hiện nay được chia làm hai loại: bình dân và cao cấp. Đồ bình dân là những món đồ thông thường như thiếp, hoa giấy, khăn len, túi xách, các đồ trang sức và cả quần áo thời trang được bày bán trong các giftshop, shop online hoặc bên lề đường, hay những món đồ lưu niệm bằng vỏ ốc, vỏ sò thường gặp ở các thành phố du lịch. Những món đồ cao cấp hơn như những món đồ trang sức được làm từ đá quý với kĩ thuật tinh xảo hoặc những chiếc điện thoại được nạm bằng kim cương với giá từ vài trăm đến vài triệu đô la cũng được xếp vào hàng handmade.
Với đối tượng học sinh-sinh viên, họ có thể lựa chọn những mặt hàng dao động từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Với những người đi làm, họ có thể tìm mua những mặt hàng cao cấp hơn, đáp ứng được sự trang trọng cần thiết, giá sẽ cao hơn và có nhiều sự lựa chọn để phù hợp với thu nhập của người mua, từ hàng trăm đến hàng triệu đồng tùy vào nguyên liệu, tay nghề hay thương hiệu.
Theo bản khảo sát do một nhóm sinh viên trường Đại học Hoa Sen thực hiện thì khách hàng ở độ tuổi 15-22 chiếm phần lớn trong thị trường đồ handmade, họ quan tâm chủ yếu đến các mặt hàng như thiệp, phụ kiện, trang sức…Còn đối tượng trên 30 tuổi, xu hướng sử dụng đồ handmade thiên về những vật dụng trang trí nội thất, phần lớn tìm mua những sản phẩm thủ công mỹ nghệ…Trong đó nam giới có xu hướng tìm mua phụ kiện trang phục (nón, móc xích…), quần áo gout độc và các vật dụng trang trí nội thất. Phái nữ lại có hứng thú hơn về thiệp, những vật dụng trang trí nhỏ, đồ trang sức có style lạ và không đụng hàng, túi xách quần áo được trang trí với slogan và hình ảnh có ý nghĩa đặc biệt với mỗi cá nhân.
Đa số mọi người đều tìm kiếm sự độc đáo từ những mặt hàng handmade, vì đó là một trong những cách giúp họ thể hiện cá tính, bản thân. Giá cả hàng hóa cũng là một trong những yếu tố quan trọng tác động đến quyết định mua hàng. Ngoài ra, chất lượng sự tỉ mỉ, phương thức mua bán, trao đổi, liên lạc dễ dàng thuận tiện cũng rất được quan tâm.
3. Chuẩn bị vốn đầu tư
Bạn cần chuẩn bị số vốn ban đầu khoảng 50 triệu đồng để bắt đầu công việc kinh doanh này. Khoản tiền 50 triệu sẽ được phân chia như sau: 30 triệu dành cho thuê địa điểm (vì nhiều chủ nhà sẽ yêu cầu đặt cọc trước 6 tháng tiền thuê nhà), bàn ghế, tủ bày hàng: 10 triệu, các nguyên liệu làm đồ: 5 triệu, 5 triệu còn lại sẽ dành cho biển hiệu quảng cáo, in ấn tờ rơi… và các chi phí phát sinh khác.
Tuy nhiên, nếu bạn lựa chọn hình thức kinh doanh online thì sẽ tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể, chỉ mất khoảng vài triệu đồng mua nguyên vật liệu.
Bạn có thể thuê địa điểm tại những khu vực đông học sinh sinh viên, vị trí không cần gần đường lớn để tiết kiệm chi phí. Với một địa điểm đủ rộng để vừa dùng làm nơi sản xuất vừa làm nơi bán hàng thì mức giá thuê sẽ không quá cao, rơi vào khoảng tầm trên dưới 5 triệu đồng/tháng.
5. Trang trí sắp xếp cửa hàng
Bạn nên trang trí cửa hàng theo phong cách trẻ trung, đậm chất teen - đối tượng khách hàng chính của cửa hàng. Bản thân đồ handmade vốn đã đa dạng và phong phú về kiểu dáng màu sắc nên màu sơn tường, màu sơn đồ gỗ trong cửa hàng nên là những gam màu nhẹ nhàng để “tôn” hàng hóa lên. Về mẫu mã tủ kệ trưng bày hàng hóa, bạn có thể tham khảo tại các cửa hàng handmade, các cửa hàng đồ gỗ nội thất. Quan trọng nhất là cửa hàng của bạn phải được chiếu sáng tốt, có vậy mới thu hút được khách hàng.
6. Nhập nguyên liệu làm hàng
Ở Hà Nội, không khó để bạn tìm mua các nguyên phụ liệu để làm đồ handmade. Dưới đây là một vài địa chỉ để bạn tham khảo:
- Giấy (các loại giấy gấp origami, giấy trang trí, giấy nhăn, giấy nhún,…): Hàng Mã.
- Băng dính quấn hoa, ruy băng: Hàng Mã hoặc hàng Bồ.
- Keo sữa : có thể mua ở các cửa hàng bán sơn tường hoặc vật liệu xây dựng ở đường Nguyễn Khuyến hoặc ở gần các trường như Mỹ thuật công nghiệp, Kiến trúc...
- Màu vẽ: Các cửa hàng gần trường Mỹ thuật Công nghiệp, Kiến trúc, Cao đẳng Sư phạm Nhạc hoạ....
- Vải da, giả da: Phố Hà Chung (gần chợ hàng Da) hoặc chợ Hôm.
- Vải bông xù: chợ Hôm hoặc chợ vải Ninh Hiệp.
- Các loại dây dù, dây thừng (chất liệu giống quai túi đeo chéo):Hàng Chiếu.
- Các loại hạt gỗ, cườm, kim sa, cúc, khóa, phụ kiện may mặc: Hàng Bồ
- Len: phố Đinh Liệt hoặc chợ Nhà Xanh, chợ Ngã Tư Sở.
7. Tiếp thị quảng cáo cho cửa hàng
Bạn có thể phát tờ rơi tại các trường học, phát voucher giảm giá. Quảng cáo trên các website của các trường, hoặc forum của các lớp. Ngoài ra bạn có thể nhận đặt hàng qua mạng, nhờ giới thiệu sản phẩm qua các trang web bán hàng qua mạng uy tín như vatgia.com, nhommua.com, 5giay.vn, muachung.vn, muare.vn, enbac.com.
Bạn cần tăng cường quảng cáo trên các báo, tạp chí, làm cộng tác viên với các báo, viết bài hướng dẫn làm đồ handmade đơn giản với nguyên vật liệu dễ tìm, cuối bài viết sẽ có một vài dòng giới thiệu về shop cũng như phương thức liên hệ. Như vậy sẽ giúp người mua thêm sự lựa chọn, họ có thể quyết định tự làm hay liên hệ với cửa hàng để mua hàng. Cách này không phải lộ bí quyết và làm giảm khách, mà khiến người mua cảm thấy mình có nhiều sự lựa chọn và thoải mái với chính điều đó, đồng thời cũng hài lòng với sự chia sẻ ý tưởng từ các chủ shop, từ đó gia tăng hảo ý, thiện cảm và cảm thấy thân thiện với người bán hơn. Còn người bán đã bước đầu thành công trong việc gây chú ý và tạo thương hiệu sản phẩm.
Tiếp đến là quảng cáo trên truyền hình là cách tốt nhất để mọi người biết đến đồ thương hiệu handmade của mình. Có thể hợp tác với các chương trình truyền hình làm talkshow thực tế tại shop, hướng dẫn mọi người lựa chọn nguyên liệu hay nói về các xu hướng handmade sắp tới.
Đồ handmade thực tế là một trào lưu đang được ưa chuộng có sự đóng góp không nhỏ bởi người của công chúng. Đôi khi chỉ cần một bức ảnh hay đoạn clip của thần tượng được tung lên, sự lấp lánh xinh tươi nhờ các phụ kiện handmade cũng khiến người hâm mộ phát sốt và lùng sục tìm mua. Dựa vào các xu hướng đó, người bán hàng cũng nên xem xét đến các mặt hàng phục vụ người hâm mộ -những người chi rất mạnh tay cho sở thích của mình. Những mặt hàng này còn có cách gọi khác là fan-made.
Một điều rất quan trọng mà người bán thường bỏ qua, đó là việc ghi dấu ấn hay kí hiệu của mình trên sản phẩm được bán ra. Dù bắt đầu là một shop nhỏ không danh tiếng nhưng việc để tâm sáng tạo ra một logo cho riêng mình là điều không thể thiếu nếu muốn xây dựng thương hiệu và làm ăn lâu dài.
Bên cạnh đó bạn cũng cần lập nên cơ cấu giá, bảng giá ship (vận chuyển) cho những khách hàng bạn không thể bán trực tiếp.
Bạn có thể áp dụng chế độ bảo hành, sửa chữa sản phẩm miễn phí cho khách để tạo thiện cảm cho khách hàng.
Chúc các bạn thành công!
Nguồn dữ liệu:
1. Chia sẻ do NguyenDangDuy.Com thực hiện qua kinh nghiệm và phỏng vấn thực tế
2. Mô hình tham khảo sưu tầm
3. Hình từ Internet
(Tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét