Chia Sẻ Điều Đúng Đắn

Hỏi Đáp | Đặt Lịch | Zalo 0919449459

MỚI

Tìm nội dung

Chủ Nhật, 7 tháng 7, 2013

Nghề thám tử tư - đơn giản vì đam mê

I. CHIA SẺ
Bạn thích phim hành động, bạn đam mê điều tra phá án hay có một ước mơ làm một thám tử ngay từ bé. Đến giờ bạn còn đam mê đó không ? Nếu vẫn còn, đây có thể là một nghề hay dành cho bạn

II. MÔ HÌNH
Trên thế giới, nghề thám tử tư đã xuất hiện từ rất lâu đời với những tên tuổi lừng danh như Sherlock Holmes, Francois Eugène Vidocq,… Ở Việt Nam, manh nha xuất hiện từ thời Pháp thuộc song đến nay thám tử tư vẫn là một ngành dịch vụ còn khá non trẻ. Không được pháp luật chính thức thừa nhận song các nhà cung ứng dịch vụ thám tử tư vẫn “ăn nên làm ra” nhờ bắt đúng mạch nhu cầu thực tế của xã hội.


Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định điều tra là thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Theo Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP và Nghị định số 52/2008/NĐ-CP được Chính phủ ban hành có quy định các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ thuộc mọi thành phần kinh tế không được tiến hành điều tra, hoạt động thám tử tư dưới mọi hình thức, trực tiếp hoặc thông qua người khác xâm hại quyền tự do cá nhân của tổ chức, cá nhân,… Tuy nhiên, do xuất phát từ nhu cầu thực tế của xã hội, các văn phòng thám tử vẫn mọc lên như nấm sau mưa và ẩn danh dưới dạng dịch vụ cung cấp thông tin. 

Phạm vi hoạt động của nghề thám tử có thể nói là khá rộng. Từ việc tìm thư nặc danh, đến việc lần ra tung tích những cậu ấm cô chiêu bỏ nhà đi “dạt”; từ truy tìm các cuộc ngoại tình bất hợp pháp đến những cuộc đấu tranh chống hàng giả phức tạp; ngay cả những hồ sơ thu nợ tưởng như không thể đòi được, các thám tử cũng giải quyết thật hoàn hảo,… Họ không sợ nguy hiểm, không nề khó khăn, gian khổ để hoàn thành tốt công việc, nhiều lúc không chỉ vì đồng tiền mà vì lòng đam mê nghề nghiệp hay “máu” anh hùng, trách nhiệm bênh vực lẽ phải, lấy lại công bằng, chân lý,…

Do tính chất và yêu cầu công việc tương đối đặc thù nên mức chi phí thuê thám tử ở mức khá cao, khoảng trên dưới một triệu đồng/ngày. Với những vụ theo dõi ngoại tình, tìm con cái,... mất nhiều ngày thì khách phải trả vài chục triệu đồng cho một hợp đồng. Chi phí đắt đỏ song lượng khách hàng tìm đến với dịch vụ thám tử tư không hề nhỏ.

Để tiếp cận gần hơn với nghề nghiệp đặc biệt và thú vị này, ngoài tìm kiếm thông tin trên mạng, người viết đã gặp gỡ và trao đổi thẳng thắn với một chủ văn phòng thám tử tư tại Hà Nội. Anh không ngần ngại chia sẻ về những tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe, sự hấp dẫn cũng như những khó khăn, thử thách khi dấn thân vào nghiệp thám tử. 

Dưới đây là một số thông tin cũng như chỉ dẫn cơ bản bạn cần lưu tâm nếu muốn đi theo nghề này:

Trang bị nghiệp vụ, kỹ năng, phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp thám tử tư

1. Nghiệp vụ, kỹ năng  thám tử tư

Thám tử tư phải là những người có kiến thức căn bản, được đào tạo tại các trường ĐH, cao đẳng chuyên nghiệp về các lĩnh vực Luật, an ninh, quân đội, kinh tế, văn hoá XH khác….trong lĩnh vực thông tin đặc biệt là công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, thám tử tư còn phải am hiểu và luôn học hỏi bổ sung những kiến thức XH khác hàng ngày, hàng giờ diễn ra trên toàn thế giới nhằm nâng cao năng lực của bản thân trong quá trình tác nghiệp.

Để tác nghiệp thành công, thám tử tư cần phải trang bị những kỹ năng sau:

- Kỹ năng lập kịch bản cho từng sự việc.

- Kỹ năng nhập vai khi bắt tay vào công việc.

- Kỹ năng phản ứng nhanh với mọi biến cố khi tác nghiệp.

- Kỹ năng xử lý tình huống pháp lý .

- Kỹ năng giao tiếp với “xã hội đa chiều”

- Kỹ năng “phối hợp” với cảnh sát .

- Kỹ năng kiểm soát đối tượng khi tác nghiệp.

- Kỹ năng thoát hiểm .

- Kỹ năng trấn an, bảo vệ khách hàng .

- Kỹ năng phân tích và phán đoán.

-Kỹ năng điều tra, xác minh thông tin.

-Kỹ năng nắm bắt tâm lý đối tượng.

-Kỹ năng nhận dạng, nhận diện…

-Thám tử tư còn phải là người có tầm hiểu biết sâu, rộng về các lĩnh vực của cuộc sống.


2. Phẩm chất và đạo đức nghề nghiệp 

Giỏi về kỹ năng, nghiệp vụ chưa đủ, thám tử tư còn phải hội đủ những ưu điểm sau đây mới trở thành một thám tử thực thụ :

Thứ nhất: Thám tử tư phải là người có óc tuy duy, sáng tạo cao trong quá trình nắm bắt và xử lý thông tin qua chuỗi những thông tin rời rạc được cung cấp, từ đó phán đoán tình hình sự việc sẽ xảy ra theo chiều hướng nào để có phương giải quyết phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh khi tác nghiệp thực địa.

Hai là: Thám tử tư phải là người có bản lĩnh, ý chí kiên cường để có thể tự mình tác nghiệp trong mọi hoàn cảnh, kể cả lúc gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Ba là: Thám tử tư phải có tính kiên trì, nhẫn nại cao. Bởi trong lúc tác nghiệp nếu nôn nóng có thể bị bại lộ, hoặc mất phương hướng khi gặp phải nhiều sự cố cùng xảy ra do khách quan lẫn chủ quan.
Bốn là: Thám tử tư phải có tâm hồn trong sáng, chí công, vô tư, tận tâm dốc lòng cho công việc, thực hiện đúng, đầy đủ những cam kết với thân chủ. Bởi nếu người thám tử không có “tâm”, khi tác nghiệp không làm tròn bổn phận và trách nhiệm của mình, dẫn đến không thu được kết quả thông tin chính xác, kịp thời cho khách hàng sẽ không chỉ làm phương hại đến uy tín nghề nghiệp, lợi ích kinh tế của thám tử tư mà còn ảnh hưởng đến uy tín của công ty mà thám tử đó làm việc. Xét về lâu dài hãng thám tử đó sẽ còn mất nhiều thứ về sau.

Năm là: Thám tử tư được đào tạo nghề nghiệp và kinh qua nhiều sự vụ đúc kết kinh nghiệm từ đó giúp cho thám tư tư mạnh dạn dấn thân vào công việc với quyết tâm cao hơn và hiệu quả hơn.

Sáu là: Thám tử tư phải là người luôn học hỏi, trau dồi kiến thức đa dạng từ nhiều kênh thông tin khác nhau để kịp thời bổ sung kiến thức phục vụ cho quá trình tác nghiệp thực tế .

Bảy là: Thám tử tư phải là người có kiến thức về tâm lý học, nhận dạng học, pháp y học, pháp luật nước sở tại,…phục vụ cho quá trình tác nghiệp.

Tám là: Thám tử tư phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề thì mới vượt qua được nỗi sợ hãi khi đối diện với nguy hiểm, tìm được cách ứng phó linh hoạt khi gặp sự cố trong quá trình tác nghiệp.

Ngoài ra, thám tử tư còn phải vượt qua muôn vàn khó khăn khi tác nghiệp như phải am hiểu và cập nhật thông tin thường xuyên về địa lý, vùng miền, khí hậu, tập quán, thói quen sinh hoạt của dân cư sở tại, lối sống,… Có như vậy, thám tử mới có thể tác nghiệp ở mọi địa hình và hoàn cảnh, thu được những thông tin chân thực nhất, chính xác nhất và đầy đủ nhất cho khách hàng theo yêu cầu.

Tuyển dụng, quản lý nhân viên và vận hành công ty 

Theo một cán bộ quản lý của một văn phòng thám tử tư nổi tiếng tại Hà Nội, sau khi qua vòng sơ tuyển, các ứng viên sẽ phải trải qua ít nhất nửa tháng tập huấn nghiệp vụ, người nào không kiên trì sẽ bị đào thải ngay, những người vượt qua được giai đoạn tập huấn sẽ được thử việc trong hai tháng.

Một số công ty ưu tiên tuyển dụng những bạn trẻ thuộc thế hệ 8X, 9X vì tuy chưa có kinh nghiệm trong nghề nhưng luôn nhiệt huyết, sức khỏe tốt, nhiều thời gian rỗi, học hỏi nhanh… nên được ưu tiên tuyển dụng.

Tuy hiện nay chưa có trường lớp chính quy nào đào tạo nghiệp vụ thám tử, nhưng theo kinh nghiệm của những người đi trước và theo tài liệu của nước ngoài, thì để trở thành thám tử, các ứng viên cần được đào tạo những nghiệp vụ sau:

- Học ký hiệu mật mã và cung cấp thông tin ảo. Trong quá trình theo dõi, điều tối kỵ là không để lộ danh tính đối tượng cũng như khách hàng. Do đó, bắt buộc phải dùng ký hiệu thay tên thật. Thông thường sử dụng các chữ số từ 1 - 9 hay các chữ cái.

Sử dụng thông tin ảo hoặc vào vai xe ôm, người bán nước, thợ điện, thậm chí đầu gấu… là chiêu được thám tử sử dụng nhiều để hoàn thành nhiệm vụ hoặc thoát hiểm. Anh Đức, quản lý của công ty thám tử V, Hà Nội cho biết: Khi phải theo dõi một khu chung cư, thám tử sẽ phải quanh quẩn cả ngày xung quanh khu vực này dễ dẫn đến sự nghi ngờ của người dân. Thám tử khi đó bắt buộc phải cung cấp thông tin ảo về mình nếu có người dò hỏi. Thậm chí, thám tử phải có cả giấy tờ ảo cho khớp với lời nói.

- Cách theo dõi, hóa trang, xử lý khi mất dấu, nắm bắt tâm lý đối tượng… Theo người quản lý của công ty thám tử tư thì khi theo dõi đối tượng phải tùy từng hoàn cảnh để ứng phó hợp lý. Điều quan trọng là phải tập trung theo dõi, nếu đối tượng đi ô tô thì tránh hai gương chiếu hậu đề phòng bị nhìn qua gương; bám sát đối tượng đi xe máy vào giờ cao điểm phải quan sát cao độ, nếu đi đường vắng và nhỏ cần giữ khoảng cách xa, còn trong ngõ ngách cần giữ cự ly gần, khi đối tượng bất chợt dừng lại phải chạy qua mặt để tránh bị nghi ngờ. 

Tiếp cận mỗi loại đối tượng cần một hình thức bề ngoài khác nhau cũng như những kỹ năng đa dạng, một nhân viên thám tử tư cho biết. Khi là một doanh nhân lịch thiệp đi tìm hiểu nhà phân phối sản phẩm, thoắt lại là người lao động tìm chuyến xuất ngoại đổi đời qua “cò” , có lúc lại lạng lách như “tổ lái” theo vết một “quý tử” đua xe hay một chatter tâm sự trên mạng cùng cô chiêu “dạt vòm”,… Chính bởi tính chất công việc như vậy mà người thám tử đòi hỏi phải có những phẩm chất như: trung thực, thủ tín, có kỷ luật, vốn sống và bề dày kiến thức văn hóa, xã hội,… Thông thường, phải qua quá trình rèn luyện, thử thách, các công ty thám tử mới có thể tuyển mộ, đào tạo được đội ngũ thám tử tư chuyên nghiệp, đắc lực như vậy. 

- Viết báo cáo chi tiết quá trình làm việc cho công ty để gửi tới khách hàng.

Hiện nay, nhân sự vẫn là một vấn đề nan giải đối với ngành thám tử tư, chủ yếu là do phải hoạt động nửa kín nửa hở, công việc áp lực cao nên nhiều người không chịu nổi “nhiệt” đã phải bỏ nghề. 

Tuy hoạt động bán công khai và chưa được các cơ quan chức năng 
cấp phép để hành nghề thám tử, nhưng nhiều công ty thám tử tư vẫn công khai dịch vụ của mình thông qua website chính thức của công ty

Theo anh N, quản lý công ty thám tử S, tại Hà Nội, khi mới bắt đầu hoạt động anh cũng chia công ty thành nhiều bộ phận chức năng hoạt động độc lập như bộ phận tiếp nhận yêu cầu của khách hàng, bộ phận điều tra, xác minh thông tin khách hàng yêu cầu, bộ phận thanh tra có nhiệm vụ giám sát nhân sự thuộc bộ phận điều tra… nhưng do nhân sự cứ rơi rụng dần nên các nhân sự ít ỏi còn lại phải kiêm nhiệm nhiều việc. Chính bản thân anh N, sau khi giao việc cho nhân viên đi điều tra, cũng phải âm thầm đi theo giám sát công việc vì theo anh, anh là người chịu trách nhiệm trực tiếp với khách hàng về tiến độ và hiệu quả công việc nên mọi việc phải chính xác tuyệt đối, nếu không sẽ mất uy tín với khách hàng.

Đa phần các công ty thám tử tư hiện nay không lấy hoạt động thám tử tư là hoạt động chủ đạo mà còn kiêm thêm nhiều ngành kinh doanh khác tùy theo thế mạnh của nhân sự trong công ty.

Nghề thám tử - vướng mắc về mặt pháp lý

Pháp luật hiện hành quy định điều tra là thẩm quyền của cơ quan Nhà nước. Điều này là hết sức cần thiết bởi việc "điều tra tư" - thám tử tư là dịch vụ cực kỳ nhạy cảm. Chỉ cần hơi "quá đà", rất có thể các thám tử tư sẽ vướng vào các quy định cấm như xâm phạm bí mật đời tư, quyền công dân, bí mật kinh doanh… và gây nên nhiều hệ lụy. Cũng có lẽ vì vậy nên sau khi một vài doanh nghiệp được cấp phép hoạt động "điều tra và bảo vệ", "cung cấp thông tin", thì các cơ quan chức năng đã "siết" lại việc thành lập các doanh nghiệp kinh doanh loại hình dịch vụ này. 

Tại Hà Nội, theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện chỉ có hai doanh nghiệp chính thức được cấp phép hoạt động nhưng trên thực tế phải có khoảng vài chục văn phòng, nhóm thám tử tư đang hành nghề. Tuy nhiên, do không được cấp phép nên hầu hết các văn phòng này hoặc hành nghề chui hoặc "lách" luật bằng cách đăng ký kinh doanh ngành nghề "dịch vụ cung cấp thông tin dân sự" (thực tế muốn có thông tin để cung cấp thì phải tìm kiếm, thu thập, cũng chính là hoạt động "thám tử"). 

Không được cấp phép, đồng nghĩa với việc không có sự kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng nhưng dịch vụ thám tử vẫn tồn tại, thậm chí là "sống khỏe", nghĩa là rất khó cấm trên thực tế. Theo nhiều "người trong cuộc" thì đây là dịch vụ đang hái ra tiền với nguồn lợi nhuận thu được không nhỏ mà không phải chịu một khoản thuế nào. 

Thực tiễn này bộc lộ nhiều điểm đáng bàn bởi rõ ràng nhu cầu về dịch vụ thám tử là một nhu cầu có thật, nhiều nước xem đây là một nghề chân chính. Còn tại Việt Nam, do thiếu một hành lang pháp lý rõ ràng nên hoạt động thám tử tư phát triển theo kiểu tự phát. Đã có không ít chuyện "dở khóc, dở cười" từ dịch vụ thám tử như thám tử ăn cả "hai mang" khi tìm hiểu được thông tin ông chồng ngoại tình thì vừa lấy thù lao từ bà vợ, lại sử dụng thông tin có được để tống tiền ông chồng. Tương tự là có được thông tin từ đối tác kinh doanh cũng vừa "bán" lấy tiền, vừa quay lại tống tiền doanh nghiệp,… 

Thiết nghĩ, nếu gỡ được những vướng mắc về mặt pháp lý này, nghề thám tử sẽ đường hoàng “bước ra ánh sáng” và rất có thể sẽ trở thành một trong những nghề hot của xã hội - hot không chỉ bởi mức thù lao hấp dẫn hay sự hấp dẫn của công việc, mà còn bởi sự trân trọng mà những người làm nghề thám tử chân chính xứng đáng được nhận.  
(Tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét