Điều gì tạo nên một CEO (giám đốc điều hành) làm việc hiệu quả? Dĩ nhiên, câu hỏi này đã được nghiên cứu rộng rãi, bởi rất nhiều tờ báo khác nhau, trong đó có cả Tạp chí kinh doanh Havard (HBR - Havard Business Review). Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn biết khá ít về cách một CEO làm việc và ứng xử hằng ngày cũng như mối liên hệ giữa hành động của họ với sự thành công hoặc thất bại của những công ty mà họ điều hành. Các nghiên cứu trước đây vẫn còn nhiều hạn chế. Một số nghiên cứu chỉ khảo sát trên các mẫu nhỏ, hoặc quá dựa vào diễn giải của các nhà nghiên cứu về việc phân loại những "kiểu" điều hành khác nhau.
Nhưng trong nghiên cứu mới này, chúng tôi đã sử dụng dữ liệu khảo sát từ hơn 1000 giám đốc điều hành tại sáu quốc gia, kết hợp báo cáo hoạt động tài chính của các công ty họ để trả lời câu hỏi. Và những gì chúng tôi thu thập được chỉ ra rằng những CEO can dự trực tiếp vào công việc thường không đạt hiệu suất cao bằng các nhà lãnh đạo cấp cao.
Dữ liệu nghiên cứu của chúng tôi bao gồm mọi hoạt động mà một CEO đảm nhận trong một tuần, cũng như các dữ liệu khác về việc lên kế hoạch công việc với những người liên quan. Chúng tôi đã sử dụng một máy tính chuyên dụng để xác định xem sự khác biệt nào trong hành vi giữa các giám đốc điều hành là quan trọng nhất. Thực tế, chúng tôi đã nhập vào một thuật toán là: Nếu bạn phải phân tích hành vi của các CEO bằng cách phân loại họ thành hai kiểu mẫu, bạn sẽ chia như thế nào?
Mặc dù thuật toán này chưa được chứng minh, nhưng việc phân loại nó gần giống với việc giáo sư John Kotter phân biệt sự khác biệt giữa "nhà quản lý" và "nhà lãnh đạo". Kiểu hành vi thứ nhất - của các nhà quản lý - bao gồm tương đối nhiều chuyến thăm, khảo sát tại nhà máy, tương tác nhiều với nhân viên trong vấn đề quản lý chuỗi cung ứng, và tham dự nhiều cuộc họp với khách hàng cũng như nhà cung cấp. Kiểu hành vi còn lại - của những nhà lãnh đạo - bao gồm sự tương tác nhiều hơn với các giám đốc điều hành (C-suite), giao tiếp nhiều trên các kênh trực tuyến, riêng tư, cá nhân; lập kế hoạch và tham dự các cuộc họp với nhiều bên, từ những phòng ban nội bộ cho đến các bên liên quan bên ngoài. Dữ liệu của chúng tôi không tập trung nhấn mạnh việc các CEO đều điều hành theo một kiểu duy nhất. Thay vào đó, chúng tôi sử dụng một chỉ số để phân tích cả hai phong cách điều hành này bên trong mỗi một người giám đốc.
CÁC CEO THƯỜNG LÀM GÌ TRONG MỘT NGÀY?
Trung bình, các CEO sẽ làm việc một mình khoảng 6 tiếng đồng hồ, bao gồm cả việc ngồi gửi email. 10% thời gian còn lại được dùng cho các vấn đề cá nhân, và 8% dành cho việc di chuyển. Phần còn lại (56%), họ sẽ làm việc với ít nhất một người khác, chủ yếu là các cuộc họp và hầu hết đã được lên kế hoạch trước. Khoảng một phần ba thời gian đó, một người giám đốc dùng để đối thoại và giao tiếp một - một; hai phần ba còn lại là với nhiều người. (Dữ liệu này tính toàn bộ thời gian một ngày làm việc của một CEO, chứ không chỉ là phần thời gian trong văn phòng).
Những phòng ban phổ biến nhất mà giám đốc thường làm việc cùng là phòng sản xuất (35% thời gian làm việc của một CEO sẽ dành ở đây), phòng marketing (22%) và phòng tài chính (17%). Các cuộc họp thường thấy nhất với đối tác bên ngoài là khách hàng (10%) và nhà cung cấp (7%).
Đó là số liệu trung bình, nhưng sự phân bổ thời gian của mỗi CEO là vô cùng khác nhau, và mô hình của chúng tôi phân loại CEO thành hai nhóm theo hành vi như đã đề cập ở trên - nhà lãnh đạo và nhà quản lý - và sau đó chúng tôi chấm điểm mỗi CEO theo từng cấp độ của mỗi nhóm.
PHONG CÁCH ĐIỀU HÀNH NÀO LÀ TỐT HƠN CHO CÔNG TY?
Khi chúng tôi phân tích những kiểu CEO và tình hình hoạt động tài chính của các công ty, cùng nhiều biến số khác nữa, bao gồm ngành nghề, quốc gia và quy mô doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy rằng các CEO nghiêng về hướng "nhà lãnh đạo" nhiều hơn là "nhà quản lý" sẽ điều hành những công ty có năng suất cao hơn và hiệu suất lợi nhuận lớn hơn. Và khá ngạc nhiên rằng, những hành vi khác nhau của các CEO, mà trước đây chúng tôi tưởng là nhỏ và không đáng chú ý lại có mối quan hệ mật thiết với năng suất của công ty, có sức ảnh hưởng tương đương với khoảng 20% giá trị các khoản đầu tư cho máy móc, thiết bị, nhà cửa, v.v. Phải chăng các CEO thuộc kiểu mẫu “nhà lãnh đạo” chỉ tình cờ làm việc tại các công ty tốt hơn không?
Chúng tôi đã xem xét dữ liệu trước và sau khi những CEO đó được bổ nhiệm ở công ty, và chúng tôi thấy rằng việc bổ nhiệm một CEO thuộc kiểu “nhà lãnh đạo” sẽ kéo theo năng suất cao hơn. Hiệu suất công việc được thể hiện trong ba năm vừa qua đã cho thấy rằng các nhà lãnh đạo đang cố gắng và thực sự thành công trong việc thay đổi công ty của mình.
CÓ KHI NÀO MỘT KIỂU MẪU CEO SẼ LUÔN LUÔN TỐT HƠN KIỂU CÒN LẠI, TRONG MỌI TRƯỜNG HỢP?
Đến bây giờ, bạn có thể sẽ kết luận ngay rằng những CEO giỏi nhất sẽ không sa lầy vào vấn đề quản lý công việc hàng ngày mà thay vào đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ lãnh đạo cấp cao hơn, như triệu tập những người đứng đầu các phòng ban khác nhau để truyền đạt chiến lược và tầm nhìn.
Nhưng bức tranh được vẽ bằng dữ liệu thực sự khác với cách tiếp cận một chiều. Một kiểu mẫu sẽ không thể nào phù hợp trong mọi trường hợp, mọi hoàn cảnh được. Các “nhà lãnh đạo” thường phổ biến hơn trong các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp hoạt động trong những ngành công nghiệp phức tạp và đòi hỏi nhiều kỹ năng, trong khi các “nhà quản lý” có khuynh hướng điều hành ở những công ty nhỏ hơn và, ở một mức độ nào đó, thường là các tổ chức đơn giản hơn (ví dụ như các công ty hoạt động trong những lĩnh vực mà ở đó, tỉ trọng của các công việc thường ngày, lặp lại tương đối lớn). Và trong mẫu nghiên cứu của chúng tôi, có rất nhiều CEO theo kiểu “nhà quản lý” đã điều hành thành công doanh nghiệp của họ.
Những quan sát này đã hướng chúng tôi đến một giả thuyết rằng: sự khác biệt về hiệu suất mà chúng ta thấy trong dữ liệu có thể là do kiểu điều hành của các CEO không thực sự phù hợp với công ty. Một số công ty cần những nhà quản lý giỏi, sát sao, chi tiết trong từng công việc, trong khi số khác lại cần những nhà điều hành cấp cao, những người truyền đạt và đặt ra tầm nhìn. Tuy nhiên, bởi vì thị trường lao động của nghề CEO không hề hoàn hảo, đôi khi các nhà quản lý - với số lượng nhiều hơn hẳn các nhà lãnh đạo, theo như mẫu nghiên cứu của chúng tôi - đến cuối cùng, là những người giữ vai trò lãnh đạo và do đó ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu suất của công ty mà họ điều hành.
Để củng cố thêm cho giả thuyết này, chúng ta có thể thấy rằng những nơi có thị trường lao động kém hiệu quả, nhất là trong nghề CEO, thường đi kèm với những chênh lệch lớn giữa các công ty do nhà lãnh đạo và do nhà quản lý điều hành. Mặc dù chúng ta không thể biết chính xác những nguyên nhân nào đã tạo ra mâu thuẫn trong việc phân bổ nhân lực đó, nhưng xét theo thực tế, việc phân bổ này là vô cùng quan trọng và sự phù hợp giữa công ty và phong cách điều hành của giám đốc cũng có sức ảnh hưởng rất lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp.
Những nhà lãnh đạo có khả năng đặt ra tầm nhìn và chiến lược, kết nối các phòng ban quan trọng với nhau và giao tiếp có hiệu quả, nhìn chung đều mang lại những tác động có ý nghĩa tích cực với hoạt động của công ty. Nhưng điều quan trọng vẫn là hiểu và tìm ra sự phù hợp giữa phong cách lãnh đạo của người giám đốc và cách điều hành mà công ty đó thực sự cần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét