VÙNG ĐỆM AN TOÀN
================
(01) Đúng hẹn
================
Người Nhật có thói quen rất đúng hẹn. “Đúng hẹn” với họ có nghĩa là đến sớm hơn 10-15 phút chứ không phải đến đúng y như thời gian hẹn. 15 phút đó có ý nghĩa vô cùng quan trọng, nó bảo đảm an toàn cho bất trắc có thể xảy ra. Nhỡ đâu trên đường đi, xe bạn hư, hoặc đường tắc, hoặc bạn quên một thứ gì đó phải quay lại lấy. Đó là những lúc hữu sự. Còn nếu đường đi suôn sẻ, bạn tới nơi sớm 15 phút, bạn có thể ngồi xuống uống một tách trà, nghỉ ngơi cho nhịp tim đập ổn định lại vì phải di chuyển đường xa hoặc có thể đi vệ sinh cho thoải mái nếu cấp bách. Sau 15 phút, ta hoàn toàn sẵn sàng, có mặt trọn vẹn cho buổi họp, gặp gỡ mà không phải hớt ha hớt hải, thần thái ta ổn định và tất nhiên, chuyên nghiệp hơn nhiều so với một người tất tả sợ trễ giờ.
Nhiều bạn viện cớ, xung quanh mọi người đều xài giờ dây thun cả, chỉ một mình mình đúng giờ thì có kỳ cục không? Thế chẳng lẽ mọi người đều xấu thì ta cũng phải xấu sao? Theo kinh nghiệm của mình, mình cứ đúng giờ. Năm lần, mười lần, hai chục lần, thế nào họ cũng sẽ nhận ra. Chắc phải còn chút liêm sỉ sót lại chứ.
Trong thời gian chờ mọi người đến trễ, mình có thể lấy sách ra đọc (mình luôn mang theo 1 quyển sách bên người phòng khi những trường hợp như vậy). Mình cứ tốt trước rồi xung quanh dần sẽ tốt lên, không việc gì phải rối!
================
(02) Nhảy việc
================
Có một nguyên tắc khi đi làm chắc ai cũng biết, khi vì lý do nào đó bạn cần chuyển việc, thì bạn phải nắm chắc rằng công việc mới đã có trong tay thì mới từ từ rời bỏ việc cũ (trừ khi mình làm gì đó tày trời nên bị sếp đuổi hehe). Như một con khỉ chuyền cành, chỉ khi nào tay trái của nó nắm được cành cây tiếp theo thì tay phải mới buông cành cây cũ. Việc lơ lững giữa không trung, không tay nào bám vào cành cây sẽ đưa bản thân vào khả năng nguy hiểm cao. Có thể bạn sẽ bám được vào một cành cây cổ thụ khác (nếu may mắn và liều lĩnh) nhưng cũng không loại trừ khả năng bạn đánh giá quá cao khả năng phóng của mình, hoặc bạn đánh giá quá thấp cành cây kia. Lúc đó, “rơi tự do” là một trải nghiệm đau đớn mà không ai muốn cả.
================
(03) Tích trữ củi cho mùa đông
================
Đâu ai biết trước được ngày mai chuyện gì sẽ xảy ra, ví dụ rõ ràng nhất là đại dịch corona virus hiện tại. Nhà nhà thiếu thốn, người người mất việc, các công ty tuyên bố phá sản hàng loạt. Nếu ai cũng có sự chuẩn bị trước phòng khi bất trắc thì sẽ vượt qua khó khăn nhẹ nhàng hơn. Một khoản tiết kiệm phòng rủi ro cho cuộc sống, cho kinh doanh là không bao giờ thừa. Nếu chúng ta chưa có, sau đại dịch này chúng ta nên bắt đầu là vừa.
Nhưng vẫn có những thứ dù có tiền vẫn không cứu vãn được, ví dụ như bệnh nan y hay tai nạn giao thông. Cái gì nằm ngoài tầm kiểm soát, con người hay gán cho nó một cái tên là số phận. Để giảm thiểu rủi ro dạng này, chỉ có cách là lập công bồi đức. Phật giáo tin vào nghiệp báo, mỗi người bước vào đời với một gia tài khác nhau, có người giàu kẻ nghèo, người khoẻ mạnh, kẻ ốm yếu. Tất cả là do nghiệp chúng ta gây nên từ vô thỉ kiếp trước. Vận xui là do nghiệp lúc hội đủ duyên mà kéo đến và biểu hiện.
Nên chi bằng, hãy nghĩ thiện, làm thiện, giúp người khi có thể, để lúc chúng ta đi ngang một ổ voi, công đức tích luỹ sẽ san phẳng bớt cái ổ voi thành ổ gà. Tuy có sốc một chút nhưng vẫn bình an mà đi tiếp.
================
(04) Sự chia lìa
================
Một cô bé khoảng 7-8 tuổi người Mỹ, trong một khoá tu dành cho các bé thiếu nhi, đã hỏi thiền sư Nhất Hạnh như sau: “Con có một con chó nhỏ. Nhưng không may nó đã qua đời. Con buồn quá sư ông ơi, làm sao cho con hết buồn đây?”
Sư Ông trả lời: “Con hãy nhìn vào đám mây. Đám mây có đó nhưng một lúc sau ta không nhìn thấy nó nữa. Mây không chết, mà mây biến thành mưa, mưa biến thành dòng sông, dòng suối, thành nước trà mà ta uống. Khi con uống trà, con sẽ thấy đám mây trong đó và con gửi lời chào: “Chào mây, em đó hả, em có khoẻ không?”. Và chú chó của con cũng vậy.”
Thật ra, con người và thế giới có một sự gắn kết chặt chẽ, không tách rời. Nhưng do trí óc bé nhỏ, loài người nghĩ họ cô đơn. Chính sự vô minh (ignorance) này tạo ra nhiều khái niệm mới như sinh tử, chia lìa…trong khi bản chất của chúng ta là vô sinh, bất diệt thì cớ gì phải buồn đau khi một ai đó vừa chuyển từ một hình thái này sang hình thái khác?
Đó là sự thật, nói thì dễ nhưng để đến được với nó, là một với nó thì cần một sự học tập, tu sửa rất lớn. Đâu ai biết được vô thường sẽ đến lúc nào. Một sáng thức dậy, người này ra đi, người kia khuất núi, nếu không mau lĩnh ngộ được sự “vô sinh, bất diệt” này, ta sẽ rất khổ sở khi đối mặt với nó, một nỗi đau vô cùng tận cho người đi lẫn kẻ ở lại.
Nguồn: Tâm Bùi - Founder tại Tam Bui Photography
- Bs NGUYỄN ĐẶNG DUY -
www.nguyendangduy.com
Chia sẻ điều đúng đắn !
---------
#BsNguyenDangDuy
#ChiaSeDieuDungDan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét